Liệu chúng ta có quá đề cao giá trị của các khung trình độ quốc gia?
Wesley Teter, 31/3/2017. University World News. Sô:453
Trong 10 năm vừa qua, cộng đồng quốc tế đã phát triển các khung trình độ với một tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, song song với sự phát triển nhanh chóng của các khung trình độ cấp quốc gia và khu vực trên khắp châu Á và Thái Bình Dương, vẫn còn khá ít các bằng chứng cho thấy hiệu quả của các khung trình độ này trong việc cải thiện việc học tập và sự hỗ trợ trong trao đổi sinh viên.
Điều này dấy lên sự lo ngại lớn, đặc biệt đối với UNESCO – tổ chức có sứ mệnh hỗ trợ các quốc gia xây dựng các chính sách có căn cứ khoa học cho giáo dục đại học. Tôi cũng cần đặt ra câu hỏi về cách thức mà các chính sách này có thể cải tiến Chương trình nghị sự Giáo dục Toàn cầu 2030 như đã đúc kết trong lời kêu gọi của Mục tiêu Phát triển Bền vững Bốn: “thúc đẩy giáo dục toàn diện với chất lượng hợp lý và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”.
Trong bản tóm tắt toàn cầu của mình, Viện Học tập Trọn đời UNESCO ghi nhận có hơn 150 quốc gia trên toàn thế giới hiện có khung trình độ quốc gia hay còn gọi là NQF. Tuy nhiên, căn cứ khoa học để hỗ trợ cho các chính sách trên vẫn còn yếu ớt, đặc biệt trong việc phát triển các nước thành viên khu vực châu Á-Thái Bình Dương với nguồn lực hạn chế nhằm vận dụng các hướng dẫn chính sách sẵn có và xây dựng quy trình thu thập ý kiến đa dạng của các bên có liên quan.
Khung ASEAN
Các bước ban đầu như Chương trình Ủng hộ của Liên minh Châu Âu đối với Giáo dục Đại học Khu vực ASEAN và Chương trình Hỗ trợ Hợp tác Kinh tế Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Úc-New Zealand đã hỗ trợ cho sự phát triển của NQF, bao gồm các hội thảo quốc gia và sự hỗ trợ đối với Khung Tham chiếu Trình độ ASEAN.
Song song với đó, các quốc gia thành viên EU vẫn chưa hoàn toàn tham chiếu các hệ thống trình độ quốc gia của mình với Khung Trình Độ châu Âu, một dự án được dự kiến hoàn thành vào năm 2010.
Điều này đã làm dấy lên ba điều nghi ngại như sau:
· Thách thức phức tạp của việc xây dựng năng lực quốc gia;
· Các lỗ hổng ứng dụng hiện có của những cải cách thiện ý xung quanh NQF;
· Cách tốt nhất để đánh giá được giá trị của các chính sách đó trong bối cảnh của Chương trình nghị sự mới đối với Phát triển Bền vững nhằm thúc đẩy giáo dục toàn diện với chất lượng hợp lý và cơ hội học tập trọn đời cho tất cả mọi người (Giáo dục 2030 – Mục tiêu Phát triển Bền vững Bốn hay SDG4).
Những quan ngại chung và các thách thức
Trong hai năm vừa qua, UNESCO Bangkok đã cố gắng giải quyết các vấn đề này thông qua các hội thảo, các buổi họp chuyên gia và các buổi tư vấn chính quy xuyên suốt khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Các phát hiện cùng các nghiên cứu trường hợp đã chỉ ra được những quan ngại chung và các thách thức, đặc biệt là liên quan đến giá trị được nhận thấy của NQF.
Phần lớn chúng ta đều công nhận rằng NQF có thể giữ vai trò của một bộ máy quan trọng trong việc tập hợp các đối tác và các bên liên quan thuộc lĩnh vực giáo dục đại học, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các kết quả học tập để đáp ứng tốt hơn đối với sự đa dạng và nhu cầu của người học. Các lợi ích được nhận thấy cũng đã thúc đẩy được các kết quả có liên quan, như việc thiết lập một trật tự khái niệm và sự thống nhất đối với những thành phần cấu tạo nên ‘trình độ quốc gia’.
Tuy vậy, vấn đề liên quan ở đây là việc hiện tại có rất ít các bằng chứng cho thấy các lợi ích của NQF đối với người học tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một đại biểu cấp cao tại buổi họp thường niên năm ngoái của Mạng lưới Cơ sở Nghiên cứu Giáo Dục châu Á-Thái Bình Dương đã lên tiếng về một số quan ngại này.
“Việc sử dụng NQF trong công nhận trình độ, các dự án tham chiếu NQF và khung trình độ khu vực là một lĩnh vực chính sách mới,” chuyên gia được UNESCO mời phát biểu ý kiến ẩn danh cho biết, “và theo quan điểm [của quốc gia chúng tôi] thì có quá ít bằng chứng cho thấy việc phát triển NQF, các dự án tham chiếu NQF và sự phát triển các khung trình độ khu vực thật sự dẫn đến các hiệu quả trong cải thiện công tác công nhận trình độ và sự luân chuyển tích cực hơn của các học sinh và người lao động.”
Đây là một ý kiến gợi lên nhiều lo ngại, đặc biệt là khi các quốc gia đang phát triển tại châu Á và Thái Bình Dương (kể cả những đảo quốc nhỏ đang phát triển) đã đầu tư rất nhiều thời gian và nguồn lực vào việc phát triển NQF.
Tuyên bố Sydney tháng Tám năm 2016 nêu rằng nhiều công cụ chất lượng đã được phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương với lời hứa sẽ cải thiện sự luân chuyển và cơ hội việc làm: tuy nhiên, vẫn cần thêm các nghiên cứu và bằng chứng để có thể đánh giá được lợi ích của những công cụ này đối với học sinh.
Việc này bao gồm nhu cầu phải hiểu rõ hơn về giá trị và sự liên kết chặt chẽ của các công cụ chất lượng trong công tác công nhận trình độ, đảm bảm chất lượng và các khung trình độ quốc tế, cũng như hiệu quả đẩy mạnh chương trình nghị sự Giáo dục 2030 – SDG4 nếu có.
Xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau
Việc cải thiện hiểu biết của chúng ta về các mối liên kết đó có thể hỗ trợ cho sự thành công của SDG4 và cũng vì lý do này mà UNESCO Bankok đã tổ chức hội thảo xây dựng năng lực mới nhất tại châu Á và Thái Bình Dương, một hội thảo tại Apia, Samoa diễn ra từ ngày 20 đến 24 tháng Ba năm 2017, qua đó hội tụ các đại diện đến từ hơn 10 quốc gia thành viên thuộc Quần đảo Thái Bình Dương, các bên có liên quan đến giáo dục đại học đến từ các chính phủ, ngành công nghiệp và các cơ quan đảm bảo chất lượng, để có thể địa phương hóa và đánh giá giá trị của việc áp dụng NQF.
Kết quả đạt được mang lại nhiều thông tin bổ ích cho khu vực và vùng xung quanh. Ví dụ như tại Samoa, giá trị của Khung Trình độ Samoa được đánh giá qua các nghiên cứu theo dõi đối với các sinh viên vừa tốt nghiệp, các khảo sát dành cho nhà tuyển dụng và việc thu thập các câu chuyện bằng chứng từ các nhà làm giáo dục sau phổ thông. Những hoạt động này vốn mang tính thiết yếu trong việc thúc đẩy và hoàn thành SDG4, nhưng vẫn hiếm khi được thực hiện.
Việc củng cố cơ sở bằng chứng cho bộ máy đảm bảo chất lượng là quan trọng trong việc xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau trong công nhận trình độ. Bằng việc chất vấn giá trị của NQF với tư cách là một công cụ thay vì một đích đến, chúng ta có thể liên tục suy nghĩ lại và đánh giá lại cách thức thúc đẩy giáo dục chất lượng và cơ hội học tập trọn đời linh hoạt cho tất cả mọi người.
Tác giả: Wesley Teter. Link bài gốc: http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20170328000916417
Người dịch: Thanh Tú (Nghiên cứu viên, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG-HCM).
Wesley Teter là chuyên gia tư vấn cấp cao thuộc Tổ Sáng kiến Giáo dục và Phát triển Kỹ năng của UNESCO Bangkok và là một học giả thỉnh giảng, Thạc sĩ Chương trình Hành chính Công cộng khoa Chính sách Công và Hành chính Công, Đại học Mahidol, Thái Lan (2017).
---------
Vui lòng ghi rõ nguồn, tác giả, người dịch khi đăng lại bài này.