Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TPHCM đã ban hành Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm kèm theo Quyết định số 76/QĐ-TTKĐ ngày 22/5/2023.
Xem toàn văn: Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm
Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan (trích nội dung theo Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên)
Quyền hạn của học viên:
a) Được cung cấp thông tin về chương trình, nội dung, hình thức học tập, kiểm tra đánh giá.
b) Được hưởng các chế độ, chính sách liên quan đến học viên theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Trung tâm (nếu có).
c) Được nghỉ học khi có lý do chính đáng (phải có đơn xin phép và được Trung tâm đồng ý).
d) Được bảo lưu kết quả học tập theo quy định của Trung tâm.
đ) Trường hợp không đủ điều kiện tham gia đánh giá kết thúc học phần thì được Giám đốc Trung tâm xem xét việc bảo lưu học phí để học bù lại vào khóa tiếp theo.
e) Được đóng góp ý kiến với Trung tâm về nội dung, chương trình học tập, phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức quản lý lớp học của Trung tâm; được đề xuất nguyện vọng hoặc khiếu nại với Trung tâm để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của học viên.
g) Được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Nghĩa vụ của học viên:
a) Chấp hành nghiêm túc Quy định này và nội quy của khóa bồi dưỡng.
b) Đóng học phí theo đúng nội dung trong thông báo tuyển sinh.
c) Tham gia đầy đủ các nội dung của khóa bồi dưỡng.
d) Tích cực tham gia trao đổi, thảo luận trên lớp theo yêu cầu của giảng viên và khóa bồi dưỡng.
đ) Thực hiện đầy đủ các bài tập thực hành, bài kiểm tra, bài thi; tham gia đầy đủ của hoạt động kiến tập, thực tập theo quy định của khóa bồi dưỡng.
Trách nhiệm của đơn vị tổ chức
1. Tham mưu xây dựng và hoàn thiện các quy định về tổ chức và quản lý chương trình bồi dưỡng.
2. Xây dựng tiến độ, kế hoạch thực hiện các khóa học, lịch học, kiểm tra, đánh giá theo kế hoạch.
3. Chịu trách nhiệm quản lý, phân công giảng viên, tổ chức bồi dưỡng cho giảng viên tham gia thực hiện chương trình bồi dưỡng.
4. Quản lý lớp học, quản lý học viên theo nhiệm vụ được phân công.
Trách nhiệm của giảng viên
1. Xây dựng bài giảng, bài tập, bài thực hành đảm bảo đáp ứng đầy đủ nội dung giảng dạy của học phần được giao, đảm bảo giờ giảng theo kế hoạch đã phân công.
2. Tham gia hướng dẫn học viên trong quá trình kiến tập, thực tập.
3. Tham gia xây dựng đề thi, câu hỏi thi, kiểm tra đánh giá.
4. Giải đáp thắc mắc của học viên trong quá trình học tập, kiểm tra, đánh giá kết quả; đánh giá kết quả học tập của học viên theo quy định của Trung tâm.
5. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy chế, quy định về chương trình bồi dưỡng của Trung tâm.