Thăm di tích lịch sử trường Dục Thanh
Ngày 15/7/2023 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG-HCM tổ chức hoạt động "Về Nguồn" thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Bình Thuận và Di tích lịch sử Trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ đã từng giảng dạy trước khi đi tìm đường cứu nước.
Ghé thăm nơi đây, tập thể Trung tâm tri ân những đóng góp của Người cho nền giáo dục nước nhà, thành kính báo công lên Hồ Chủ tịch những thành tựu mà đơn vị đã đạt được. Bảo tàng đang trưng bày khoảng 700 hình ảnh, hiện vật, tài liệu, sa bàn, bản đồ... về tiểu sử, sự nghiệp của Bác Hồ và địa phương.
Rời Bảo tàng, Đoàn Trung tâm ghé thăm Trường Dục Thanh (viết tắt của Giáo dục thanh niên) có tên gốc là "Dục Thanh học hiệu", được xây dựng vào năm 1907 bởi các sĩ phu yêu nước tỉnh Bình Thuận, trong đó có Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Trọng Lội (con trai nhà yêu nước Nguyễn Thông), nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân.
Tháng 9/1910, Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo trẻ nhất dạy học tại đây, năm đó Bác chỉ mới 20 tuổi. Tại trường, thầy giáo Thành dạy chữ Quốc ngữ, chữ Hán và cả thể dục thể thao.
Phía sau Trường có "Ngọa Du Sào" (nơi nằm chơi) nơi Bác đọc sách, chấm bài. Căn phòng còn lưu tủ sách và án thư Bác thường dùng khi ở đây. Gần đó có nhà “Ngư” – nơi ban đầu để cất các dụng cụ đánh cá, sau đó cải tạo thành nơi nội trú của thầy và trò trường Dục Thanh. Nơi đây vẫn còn giếng nước, cây khế mà khi ở đây, Người vẫn múc nước tưới cây thường ngày.
Về nguồn là hoạt động ý nghĩa được tổ chức thường niên và là truyền thống tốt đẹp của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục nhằm ghi nhớ công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các vị anh hùng dân tộc. Tổ chức hoạt động về nguồn hằng năm, Trung tâm mong muốn đội ngũ luôn duy trì truyền thống yêu nước và đặt ra những mục tiêu lớn hơn, góp sức cho sự nghiệp phát triển nền Giáo dục Việt Nam như mong muốn và lời dạy của Bác Hồ.
Các tin / bài viết cùng loại: